I. Lý do chọn đề tài
Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, dân tộc Tày có số dân đông thứ hai sau người Kinh, sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Với người Tày, không chỉ có số dân đông, mà còn có một kho tàng tư liệu văn hóa rất đặc sắc, đó là những tập truyện thơ, lượn cọi, phong slư, hát Then. Các nguồn tư liệu này thường được ghi chép bằng chữ Nôm Tày. Trong khối tư liệu này, văn bản Then cấp sắc được chú ý đặc biệt, vì đây là đại lễ lớn nhất trong hệ thống các nghi lễ của Then, chứa đựng nhiều giá trị phong tục tập quán và văn hóa của người Tày. Then cấp sắc gắn với đời sống tín ngưỡng, phản ánh cuộc sống của người dân miền núi, đặc biệt là môi trường tự nhiên xã hội của người Tày. Việc nghiên cứu văn bản Then cấp sắc không chỉ làm rõ nội dung mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày.
II. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận án là giải quyết các vấn đề về văn bản học của Then cấp sắc viết bằng chữ Nôm Tày, xác định bản tin cậy và nghiên cứu giá trị nội dung phản ánh trong văn bản. Nhiệm vụ nghiên cứu bao gồm hệ thống hóa các văn bản Then cấp sắc tại Viện Hán Nôm, giới thiệu, so sánh và đối chiếu văn bản, xác định bản tin cậy để khảo sát. Nghiên cứu đặc điểm văn bản, kết cấu văn bản, chữ Nôm, xác định số lượng các chương, khúc hát trong các văn bản. Từ đó, xác định khái niệm “đường Then” và “đường Then cấp sắc”. Nghiên cứu giá trị của văn bản Then cấp sắc trong đời sống văn hóa dân tộc Tày xưa, từ đó đề xuất biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của văn bản trong đời sống văn hóa đương đại.
III. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Luận án chọn đối tượng nghiên cứu là nhóm 6 văn bản Then cấp sắc viết bằng chữ Nôm Tày hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đây là những văn bản chưa từng được biên dịch và công bố. Phạm vi nghiên cứu giới hạn vào các vấn đề văn bản học của các văn bản Then cấp sắc, vấn đề sử dụng chữ Nôm trong văn bản, khái niệm “đường Then cấp sắc” và giá trị nội dung của văn bản trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Tày.
IV. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu như phương pháp văn bản học để so sánh 6 văn bản chữ Nôm Tày thuộc văn bản Then cấp sắc, xác định số lượng chương, khúc hát. Phương pháp phiên dịch giúp giải thích các bản văn Then cấp sắc. Phương pháp văn tự học nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm Tày và xác định hệ thống chữ Nôm Tày trong văn bản. Phương pháp định lượng nhằm thống kê số lượng các chương, khúc hát, từ đó đưa ra những nhận định đáng tin cậy. Phương pháp liên ngành khai thác giá trị lịch sử, văn hóa, văn học, tôn giáo, phong tục tập quán được thể hiện qua các văn bản Then cấp sắc.
V. Đóng góp của luận án
Nghiên cứu nhóm văn bản Then cấp sắc viết bằng chữ Nôm Tày tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm góp phần giới thiệu, phân tích khái niệm Then và Then cấp sắc. Giới thiệu đặc điểm văn bản Then cấp sắc của dân tộc Tày, xác định văn bản tin cậy để nghiên cứu. Cung cấp số liệu về số lượng chương hát, khúc hát trong văn bản Then cấp sắc của ba dòng Then ở ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản Then cấp sắc, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày.
VI. Ý nghĩa khoa học của đề tài
Nghiên cứu văn bản Then cấp sắc viết bằng chữ Nôm Tày hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang lại ý nghĩa khoa học như xác định bản đáng tin cậy để phiên dịch, giới thiệu văn bản Then cấp sắc. Phác họa bức tranh tổng thể về “đường Then” cấp sắc của dân tộc Tày. Luận án tạo hướng mở cho việc nghiên cứu các văn bản Then cấp sắc nói riêng, dân ca nghi lễ của dân tộc Tày nói chung, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Tày.