I. Giới thiệu chung
Các hoạt động của nhân viên trên công trường xây dựng rất đa dạng, từ khâu chuẩn bị bản vẽ, vật tư đến giám sát thi công, quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng (QA-QC), kiểm tra an toàn. Hiện tượng thiếu nhân viên ở hoạt động nào đó diễn ra thường xuyên nhất là đối với các dự án có quy mô lớn. Nhà thầu thường chọn phương án tuyển nhiều người và trả lương thấp thay vì xem xét các nhân viên đã được bố trí công việc hợp lý hay chưa, hiệu quả công việc của họ như thế nào. Điều này dẫn đến tình trạng thừa người, nhân viên không hài lòng với mức lương và năng suất làm việc cũng không cao. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tạo nên một cơ sở cho các nhà thầu xây dựng có thể đánh giá được việc bố trí nhân viên trên công trường đã hợp lý chưa, xác định số lượng nhân viên phù hợp cho quá trình thi công. Từ đó có kế hoạch tổ chức nhân lực phù hợp, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt lao động cũng như nâng cao năng suất lao động của nhân viên, đẩy mạnh tính cạnh tranh của công ty thi công không chỉ trong nước mà còn hướng ra thế giới.
1.1 Xác định vấn đề nghiên cứu
Việc xác định được số lượng hợp lý nhân viên công trường trong quá trình thi công giúp cho nhà thầu có thể lập kế hoạch sắp xếp nhân viên, dự báo được chi phí cho nhân viên từ giai đoạn đấu thầu. Câu hỏi nghiên cứu: - Dựa trên các yếu tố nào mà nhà thầu bố trí nhân viên ở công trường? - Có sự khác biệt trong cách bố trí nhân viên công trường của các nhà thầu khác nhau hay không? - Ứng với kinh phí, tiến độ cụ thể thì số lượng nhân viên công trường hiện tại có hợp lý hay không? - Trong giai đoạn thi công tiếp theo cần thêm bao nhiêu nhân viên? Ở các bộ phận, công việc nào?
1.2 Mục tiêu nghiên cứu
Nghiên cứu này được thực hiện để nhắm tới các mục tiêu sau: 1. Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến việc bố trí nhân viên công trường của nhà thầu. 2. Tìm hiểu tình trạng và phương thức bố trí nhân viên thực tế trên các công trường. 3. Dự báo số lượng nhân viên công trường dựa trên quy mô, chi phí, tính chất và tiến độ của dự án. Ban đầu, luận văn có mục tiêu đề xuất phương pháp đo lường năng suất lao động của nhân viên công trường của nhà thầu và áp dụng đo lường năng suất lao động của nhân viên một công trường. Tuy nhiên vì dữ liệu thu thập được quá ít, chưa thể xác định được tính tin cậy của phương pháp đo lường, đánh giá năng suất nên trong luận văn không trình bày nội dung này.
1.3 Phạm vi nghiên cứu
Do thời gian và chi phí thực hiện có giới hạn nên phạm vi áp dụng của nghiên cứu như sau: - Không gian: các dự án ở Tp.HCM và các tỉnh thành lân cận. - Đối tượng nghiên cứu: những công trình xây dựng dân dụng đã và đang thi công. - Quan điểm phân tích: nghiên cứu thực hiện trên quan điểm của nhà thầu.
1.4 Đóng góp dự kiến của nghiên cứu
Nghiên cứu này đóng góp các giá trị sau: - Xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến sự bố trí nhân viên ở các công trường. Từ đó, nhà quản lý có thể đánh giá được việc bố trí nhân viên tại công trường đã hợp lý hay chưa. - Nghiên cứu đưa ra một mô hình hồi quy tuyến tính đơn giản, dễ áp dụng, giúp xác định được số lượng nhân viên cần thiết trong thi công. - Nhà quản lý sẽ có thêm công cụ để dự báo chi phí, nhân lực trong suốt quá trình thi công.
II. Tổng quan
Chương này trình bày các khái niệm, lý thuyết, mô hình được sử dụng trong nghiên cứu. Các công việc của các vị trí trên công trường được mô tả chi tiết, bao gồm Giám đốc dự án, Chỉ huy trưởng công trường, Giám sát kỹ thuật, Giám sát an toàn lao động, Điều phối vật tư, Quantity Surveyor, QA/QC, Triển khai bản vẽ thi công, Thư ký ISO, Kế toán, và Thủ kho. Các phương pháp xác định số lượng nhân viên cho dự án cũng được đề cập, bao gồm phương pháp bố trí từ dưới lên (Bottom up assessment), phương pháp dựa trên kinh nghiệm (Expert judgment), và phương pháp sử dụng mô hình toán học (Mathematical modeling).
2.1 Công việc của các vị trí trên công trường
Các vị trí trên công trường bao gồm: - Giám đốc dự án: lập và kiểm soát tiến độ thi công dự án; chỉ đạo và quản lý dự án để dự án hoàn thành đúng tiến độ, không vượt chi phí và đảm bảo chất lượng. - Chỉ huy trưởng công trường: điều hành hoạt động thi công trên công trường; kiểm tra, đôn đốc các đội thi công làm việc đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng theo hợp đồng. - Giám sát kỹ thuật: hướng dẫn các đội thi công thực hiện công việc theo yêu cầu kỹ thuật và bản vẽ chi tiết. - Giám sát an toàn lao động: theo dõi, giám sát công việc thực hiện đúng theo quy trình nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh công trường. - Điều phối vật tư: kiểm tra khối lượng vật tư đã sử dụng thực tế so với bản vẽ shop được duyệt; kiểm soát phần trăm hao hụt vật tư. - Quantity Surveyor: bóc khối lượng từ bản vẽ thi công, kiểm soát khối lượng thực hiện trên công trường, quản lý việc thanh toán theo kỳ với chủ đầu tư. - QA/QC: chịu trách nhiệm nghiệm thu và thí nghiệm mẫu vật liệu, am hiểu ND 209 về quản lý chất lượng thi công công trình. - Triển khai bản vẽ thi công: triển khai bản vẽ thi công thép, coppha, xây tô hoàn thiện và biện pháp thi công. - Thư ký ISO: giao nhận, lưu trữ, sắp xếp công văn giấy tờ theo ISO. - Kế toán: kiểm soát theo dõi thu chi của công trường, phát lương công nhân, chấm công. - Thủ kho: theo dõi vật tư về công trường, chịu trách nhiệm phân phối và bảo quản vật tư, công cụ và phương tiện lao động.
2.2 Các phương pháp xác định số lượng nhân viên cho dự án
Các phương pháp xác định số lượng nhân viên cho dự án bao gồm: - Phương pháp bố trí từ dưới lên (Bottom up assessment): tính toán bồ trí nhân viên dựa trên phạm vi công việc thực tế, thực hiện cấu trúc phân chia công việc rồi tính toán số lượng nhân viên cần thiết cho mỗi công việc để có được toàn bộ số lượng nhân viên cần thiết. - Phương pháp dựa trên kinh nghiệm (Expert judgment): sử dụng kinh nghiệm của các chuyên gia để ước lượng số lượng nhân viên cần thiết. - Phương pháp sử dụng mô hình toán học (Mathematical modeling): sử dụng các mô hình toán học để dự báo số lượng nhân viên dựa trên các biến số như quy mô dự án, chi phí, tiến độ.